Giới thiệu Thử nghiệm thành thạo



          Thử nghiệm thành thạo (TNTT) là một trong các công cụ quan trọng đối với các cơ quan công nhận, các cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng để đánh giá năng lực kỹ thuật của các phòng thử nghiệm, phòng xét nghiệm và phòng hiệu chuẩn (sau đây gọi tắt là phòng thí nghiệm - PTN). Đồng thời giúp các Phòng thí nghiệm trong hoạt động kiểm soát chất lượng cũng như chứng minh năng lực kỹ thuật đối với các bên quan tâm.

          Hiện nay, các yêu cầu về việc tham gia thử nghiệm thành thạo rất được các cơ quan công nhận quốc tế, khu vực và quốc gia quan tâm. Đặc biệt, các cơ quan công nhận đã ký Thỏa ước thừa nhận lẫn nhau của Tổ chức hợp tác công nhận phòng thí nghiệm Châu Á Thái Bình Dương (APLAC) và Tổ chức hợp tác công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC).

          Qua chương trình TNTT, phòng thí nghiệm thực hiện các thử nghiệm thực tế và các kết quả thử nghiệm được so sánh với các phòng thí nghiệm khác. Mô hình phổ biến của một chương trình so sánh liên phòng thí nghiệm bao gồm tổ chức, thực hiện và đánh giá các phép thử được tiến hành trên các mẫu nhỏ (chia từ một mẫu lớn) phân phối đến các phòng thí nghiệm tham gia theo các điều kiện xác định trước.

          Trong hệ thống kiểm nghiệm, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình TNTT của hệ thống với vai trò nhà đồng tổ chức cùng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương từ năm 2002 (04 phép thử với 27 đơn vị kiểm nghiệm tuyến phía Nam). Chương trình thử nghiệm thành thạo qua nhiều năm đã trở thành một hoạt động khoa học kỹ thuật định kỳ của hệ thống kiểm nghiệm. Hai Viện với vai trò nhà tổ chức cũng mở rộng và nâng cao yêu cầu kỹ thuật phép thử qua từng năm để phù hợp với yêu cầu về tính chính xác và mức độ hiện đại của trang thiết bị trong các phòng thử nghiệm.

          Có thể khẳng định rằng kết quả của chương trình thử nghiệm thành thạo đã phản ánh một phần sự phát triển về kỹ thuật và khoa học công nghệ của các phòng thí nghiệm trong hệ thống kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm nói riêng và hệ thống quản lý chất lượng nói chung. Kết quả đánh giá từ Chương trình đã giúp các phòng thử nghiệm đáp ứng một trong những yêu cầu kỹ thuật của chuẩn mực ISO/IEC 17025 và nguyên tắc Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm (GLP).

          Với mục đích của chương trình để đánh giá mức độ thành thạo của cán bộ phân tích kiểm nghiệm và năng lực của một PTN so với mặt bằng năng lực chung của các PTN khác; Giúp các PTN kiểm soát, phát hiện các vấn đề không phù hợp nếu có, từ đó có hành động khắc phục phòng ngừa để cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17025 và GLP.

          Viện kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh cũng cập nhật mô hình tổ chức các chương trình TNTT so sánh liên phòng bằng việc tham gia định kỳ TNTT với các đơn vị tổ chức quốc tế trong khu vực như Cục Khoa học Y tế (Thái Lan), IFM (Úc) và trên thế giới như EDQM (châu Âu), NOMCoL (Mỹ)…

          Quy trình xử lý kết quả thống kê, một giai đoạn quan trọng trong chương trình được Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương áp dụng tham khảo cũng như liên tục cập nhật từ những tài liệu ISO và Guideline của EDQM (châu Âu), của WHO. Chính vì vậy, tài liệu báo cáo kết quả của chương trình luôn được hai Viện đầu tư biên soạn công phu và có sự tham gia của những chuyên gia và nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong ngành.

          Với mục tiêu “Khách quan; Chất lượng; Chuyên nghiệp”, kết quả chương trình đã thể hiện một phần những nỗ lực của hệ thống kiểm nghiệm trong việc đầu tư về năng lực kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn. Đồng thời sự đầu tư, tham gia của các phòng kiểm nghiệm từ các doanh nghiệp sản xuất trong cả nước đã thể hiện trách nhiệm ngày càng cao của các doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.